Astaxanthin giải pháp tối ưu cho ngành nuôi trồng thủy sản

Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thủy hải sản đang tăng 3-4% mỗi năm và sẽ tiếp tục mở rộng lượng tiêu thụ hơn nữa trong những năm tiếp theo. Nhưng các sản phẩm thủy sản này muốn được tiêu thụ nhanh chóng và đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng thì người nuôi trồng thủy sản cần nên chú trọng nhiều vào chất lượng và hình thức màu sắc. Màu sắc là một tiêu chí đầu tiên đánh vào nhận thức của người mua để quyết định lựa chọn. Và gần đây, một trong số ít những chất vừa có thể thay thế kháng sinh vừa tạo  màu sắc cho vật nuôi đang được quan tâm nghiên cứu đó là astaxanthin, giúp tạo sắc tố ở một số loài thủy sản, làm cho cơ, da và trứng động vật thủy sản có màu vàng, cam hay đỏ (Higuera, Félix & Goycoolea, 2006).

Vai trò của astaxanthin

Astaxanthin (C40H5204) là một loại carotenoid màu đỏ, có thể tan trong chất béo. Là một nhóm sắc tố hiện diện trên một số loại tảo, nấm men, thủy sản (tôm, cá hồi), giúp cho cơ, da, trứng có màu vàng cam hay đỏ.

Astaxanthin giúp tạo màu cho vỏ, các cơ quan bên trong của loài giáp xác. Các loại cá hoặc tôm không thể tự sản xuất carotenoid. Đây là lý do tại sao nguồn cung thức ăn cần phải chứa astaxanthin. Màu sắc của lòng đỏ trứng, thịt cá hoặc tôm phụ thuộc vào sự bổ sung astaxanthin trong khẩu phần ăn, giúp tạo ra sản phẩm cuối cùng có màu sắc hấp dẫn.

Sắc tố đỏ đóng một phần quan trọng của các loài động vật dưới nước. Đối với các loài tôm như tôm thẻ, tôm sú thì màu sắc cơ thể sẽ quyết định giá trị của chúng nhưng động vật giáp xác lại không thể tự tổng hợp được astaxanthin do đó, trong quá trình nuôi, người nuôi cần phải bổ sung một lượng astaxanthin hợp lý vào thức ăn nhằm tạo màu sắc ưa thích cho người tiêu dùng.

Ứng dụng quan trọng nhất của việc sử dụng astaxanthin trong công thức thức ăn cho động vật thủy sản là tăng sắc tố cho thịt cá, màu của cá và giáp xác. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng astaxanthin được sử dụng như một thực phẩm bổ sung trong công thức thức ăn của động vật thủy sản (ĐVTS) giúp thúc đẩy tăng sản lượng và chất lượng giống, kích thích tăng trưởng, tăng cường hệ miễn dịch, tăng khả năng chống chịu stress và kháng bệnh qua đó tăng tỷ lệ sống, tăng năng suất cho người nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, Astaxanthin còn là một chất chống oxy hóa tự nhiên mạnh nhất hơn hẳn các carotenoid khác và vitamin E.

Astaxanthin giúp tăng sản lượng và chất lượng chăn nuôi

Bổ sung Astaxanthin vào thức ăn cho tôm sú (Penaeus monodon) giúp tăng khả năng sinh sản, qua đó số lượng và chất lượng trứng tăng lên đáng kể, cùng với tăng tỉ lệ nở, và số lượng ấu trùng. Astaxanthin hoạt động như một hormone sinh sản, qua đó kích thích hoạt động của tinh trùng, giúp tăng khả năng thụ tinh, kích thích sự phát triển của cơ quan sinh dục và thành thục của ĐVTS. Astaxanthin giúp cho tế bào trứng chống chịu được dưới tác động của tia UV, tăng cường khả năng hô hấp, tăng sắc tố trong noãn hoàn (Ansari, Alizadeh, Shamsai & Khodadadi, 2013). Astaxathin giúp tăng chất lượng của trứng qua đó trứng có khả năng chống chịu dưới điều kiện môi trường bất lợi như hàm lượng khí độc cao, biến động nhiệt độ, và thiếu oxy.

Astaxathin kích thích tăng trưởng và tăng tỷ lệ sống

Astaxanthin đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa tế bào tăng cường quá trình trao đổi chất qua đó giúp vật nuôi hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn và tăng trưởng tốt hơn. Mặc khác, Astaxanthin giúp tăng cường hoạt động của tế bào qua đó vật nuôi có khả năng chống chịu stress, giúp tăng tỉ lệ sống (Yamada, Tanaka, Sameshima & Ito, 1990). Astaxanthin tăng hàm lượng ecdysteroid trong máu qua đó kích thích quá trình trao đổi chất, đồng thời đóng vai trò như một chất kích thích sinh học, kích thích quá trình lột xác ở giáp xác.

Astaxathin tăng khả năng chống chịu stress và khả năng kháng bệnh

Astaxanthin có cấu trúc có nhiều nối đôi (13 nối đôi) nên nó là một chất chống oxy hóa mạnh, gấp 10 lần các carotenoid khác, gấp 100 lần so với canthaxanthin, zeaxanthinm lutein và b-carotene, và gấp 500 lần so với α-tocopherol (vitamin E) (Naguib, 2000; Kurashige, Okimasu & Utsumi, 1990).

Đặc tính chống oxy hóa của astaxanthin được thể hiện thông qua ngăn cản sự hình thành gốc tự do bằng cách loại bỏ oxy tự do, trong trường hợp các gốc tự do đã được hình thành thì astaxanthin có thể kết hợp với gốc tự do để vô hiệu hóa nó, nhờ đó Astaxanthin có thể bảo vệ lipid khỏi sự oxy hóa giống như màng phospholipid, do đó sử dụng astaxanthin với liều lượng thấp nhưng lại mang lại hiệu quả rất cao.

Astaxanthin có khả năng cải thiện hệ thống miễn dịch bằng cách tăng số lượng các tế bào sản xuất kháng thể (Chatzifotis và cs., 2005) và giảm stress (Supamattaya, & Borowitzka, 2005; Niu và cs., 2009).

Lợi ích của việc bổ sung Astaxanthin vào thức ăn đối với màu sắc, sự tăng trưởng, tỷ lệ sống, hệ miễn dịch và sinh sản một số loài thủy sản được thể hiện ở dưới đây:

Astaxanthin giúp cải thiện sắc tố cho tôm, giúp tôm có màu đò, tăng chất lượng tôm. Ngoài ra astaxanthin còn được sử dụng cho cá cảnh

Trong nuôi trồng thủy sản, Astaxanthin đã được sử dụng như chất bổ sung để cải thiện màu sắc, tăng trưởng, tỷ lệ sống, năng suất tăng trưởng, khả năng sinh sản, khả năng chống chịu stress và kháng bệnh mang lại lợi nhuận tối ưu cho người chăn nuôi.

Tác giả Venamti Team