Dinh dưỡng Protein cho gà thịt công nghiệp

Dinh dưỡng Protein cho gà thịt công nghiệp

 

Protein là dinh dưỡng không thể thay thế và đứng hàng đầu trong các chất dinh dưỡng cần thiết đối với gia cầm, nhờ protein sẵn có trong thức ăn, gia cầm mới có thể tổng hợp được protein của cơ thể và các sản phẩm phục vụ con người, ngoài ra còn tổng hợp ra các chất có hoạt tính sinh học cao như enzyme và hormone, cùng các hợp chất khác đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh lý của cơ thể.


Dinh dưỡng protein trong nuôi dưỡng gia cầm là một chỉ số dinh dưỡng quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sức sản xuất và chất lượng sản phẩm. Người ta cho rằng 20 -25 % sức sản xuất của gia cầm ảnh hưởng trực tiếp bởi dinh dưỡng protein.

 

 


Nhu cầu protein của gia cầm được tính bằng số gam protein thô cho mỗi con gia cầm trong 1 ngày đêm, tuy nhiên gia cầm không thể tiêu hóa trực tiếp số lượng protein theo nhu cầu tính được mà nó phụ thuộc lượng thức ăn thu nhận hằng ngày. Vì vậy trong khẩu phần ăn của gia cầm, nhu cầu protein thường được biểu thị bằng tỷ lệ % protein thô.


Gà thịt cần tỉ lệ protein tương đối cao trong khẩu phần để hỗ trợ tăng trưởng nhanh. Khối lượng của gà thịt thương phẩm sẽ tăng lên gấp 50 – 55 lần trong 6 tuần sau khi nở. Một phần lớn của việc tăng trọng này là tăng trưởng các mô có nhiều protein.


Dinh dưỡng protein thực chất là dinh dưỡng axit amin bởi vì axit amin là thành phần cấu tạo cơ bản của protein. Dựa vào nhu cầu dinh dưỡng của động vật, người ta chia axit amin thành 2 loại là: axit amin thay thế được (axit amin không thiết yếu) và không thay thế được ( axit amin thiết yếu).

 

Đối với gia cầm có 11 axit amin không thay thế được là : valine, leucine, isoleucine, lysine, histidine, threonine, methionine, phenylalanine, tryptophan, agrinine, glycine. Trong 11 loại axit amin thiết yếu này thì có 4 loại thường có giới hạn trong thức ăn theo thứ tự từ nhiều đến ít: Methionine => lysine => threonine => tryptophan. Nếu đem so sánh với nhu cầu thì loại nào thiếu nhiều nhất ta gọi nó là axit amin có giới hạn số 1, kế đến là số 2, 3….Chỉ khi nào bổ sung đầy đủ axit amin có giới hạn số 1 thì bổ sung axit amin giới hạn 2, 3 mới có ý nghĩa.


Axit amin là một trong những dưỡng chất quan trọng trong quá trình sinh trưởng, tạo ra sản phẩm và nâng cao hiệu quả hiệu suất sử dụng thức ăn, việc xác định đúng nhu cầu axit amin cho từng đối tượng gia cầm sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao trong nuôi dưỡng.


Nhu cầu về axit amin đối với gia cầm rất biến động, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Giống, tính biệt, môi trường, nuôi dưỡng ...


Khi thiếu bất kì một axit amin không thay thế nào trong khẩu phần ăn thì quá trình tổng hợp protein sẽ bị rối loạn, thậm chí còn làm phá hủy trao đổi chất của cơ thể. Điều đó làm giảm khả năng sinh trưởng cũng như sức sản xuất của gia cầm. Vì vậy, cần cung cấp đầy đủ các axit amin không thay thế theo đúng nhu cầu của mỗi loại gia cầm. Hiện nay cách biểu thị nhu cầu axit amin phổ biến nhất là tỷ lệ % axit amin theo khẩu phần.


Trên cơ sở tổng hợp rất nhiều nghiên cứu từ quốc gia trong một thời gian dài, Hội đồng nghiên cứu quốc gia về dinh dưỡng Hoa Kì đã tổng kết và đề xuất nhu cầu protein thô và các axitamin cho gà thịt được thể hiện ở bảng sau :

 

Nhu cầu protein thô và các axitamin cho gà thịt
Chất dinh dưỡng  Đơn vị 0 - 3 tuần tuổi 3 - 6 tuần tuổi 6 - 8 tuần tuổi
Protein thô % 23 20 18
Acginnine % 1,25 1,1 1
Glysine + serine % 1,25 1,14 0,97
Histidine % 0,35 0,32 0,27
Isoleusine % 0,8 0,73 0,62
Leucine % 1,2 1,09 0,93
Lysine % 1,1 1 0,83
Methionine % 0,5 0,38 0,32
Methionine +cystocine % 0,9 0,72 0,65
Phenylalanine % 1,34 1,22 1,04
Phenylalanine + tyrosine % 0,6 0,55 0,46
Proline % 0,8 0,74 0,68
Threonine % 0,2 0,18 0,16
Tryptophan % 0,9 0,82 0,7
Valine %      

 

Khi tính toán nhu cầu axit amin không thay thế, người ta thường chọn lysine làm axit amin so sánh và đưa ra cân bằng lý tưởng axit amin cho gia cầm (tuỳ theo hướng và mục đích sản xuất). Để tích lũy nhiều thịt nạc gia cầm cần mức lysine cao trong khẩu phần. Mối quan hệ này được thể hiện ở bảng dưới đây:

 

Tỷ lệ các axit amin thiết yếu so với lysine trong protein lý tưởng của khẩu phần ăn cho gà thịt, (%)
 

 

 

Tỷ lệ các axit amin thiết yếu so với lysine
Axit amin  Baker,1993,1996 NRC,1994 Austic 1994

CVB1996

 

 0-21 ngày 21 -42 ngày   0-21 ngày 21-42 ngày 0-21 ngày 0-42 ngày
Lysine 100 100 100 100 100 100
Methionine 36 36 45 38 38 38
Meth + cystine 72 75 82 72 72 73
Threonine 67 70 73 74 62 65
Acginine 105 108 114 110 96 105
Valine 77 80 82 82 69 80
Isoleucine 67 69 73 73 65 66
Leusine 109 109 109 109 92 ND
Tryptophan 16 17 18 18 18 16
Histidine 32 32 32 32 24 ND
Nguồn: Schutte và De Jong, 2008

 

Sự cân đối axit amin của khẩu phần là sự tương ứng của khẩu phần axit amin của nó với nhu cầu của gia cầm. Tuy nhiên do nhu cầu axit amin phụ thuộc vào loài, tính biệt, lứa tuổi, sản lượng, trạng thái sinh lý của gia cầm, những điều kiện nuôi dưỡng, thành phần của khẩu phần …do đó khái niệm này chỉ có quan hệ với khẩu phần cụ thể được ấn định cho một loại gia cầm nhất định. Vì vậy, khẩu phần được cân đối theo các axit amin cho gia cầm thuộc nhóm này có thể là không cân đối cho gia cầm thuộc nhóm khác. Trong thực tế, khẩu phần đảm bảo hoàn toàn nhu cầu axit amin của gia cầm và cao hơn nó trong khoảng không quá 15- 25% được coi là khẩu phần cân đối. Sự thiếu cũng như thừa các axit amin trong khẩu phần đều phản ánh xấu qua sản lượng, hiệu suất sử dụng thức ăn và có khi ở cả trạng thái sinh lý của gia cầm.

 


Một số nhân tố ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng của protein

 

+ Ảnh hưởng của năng lượng cung cấp

Khi năng lượng cung cấp không đủ thì hiệu quả sử dụng protein sẽ bị giảm vì cơ thể phải sử dụng protein cho mục đích tạo năng lượng để bù đắp năng lượng thiếu hụt.


+ Ảnh hưởng của vitamin và muối khoáng
Các vitamin và muối khoáng cần thiết cho quá trình chuyển hóa và giữ vai trò nhất định trong việc sử dụng protein của thức ăn, một số vitamin và chất khoáng như niacin, kali và photpho có tầm quan trọng hơn so với các chất khác vì nó liên quan trực tiếp đến quá trình chuyển hóa protein trong cơ thể gia cầm.


+ Nguồn gốc protein

Tỷ lệ hấp thu các axitamin rất cao ở phần lớn các protein động vật, nhưng ở các protein thực vật lại kém hơn. Nguyên nhân của hiện tượng này là do protein thực vật thường mất cân đối các axit amin, chứa nhiều nitoprotein bị cơ thể thải ra ngoài.

 


+ Một số yếu tố khác:


Cơ thể không sử dụng hoàn toàn lượng axit amin có trong thức ăn vì các lý do sau: tiêu hóa và hấp thu không hoàn toàn, sự có mặt chất ức chế các men tiêu hóa trong thức ăn, biến chất do ảnh hưởng của nhiệt tới protein và axit amin.

 


Các biện pháp chủ yếu để nâng cao hiệu quả sử dụng protein


- Chọn lựa nguyên liệu để tổ hợp đối với khẩu phần cân đối protein, axit amin, năng lượng và không để thiếu các yếu tố khác, như thế gia cầm sẽ sử dụng protein hiệu quả nhất. Để làm tốt việc này trước tiên ta phải biết thành phần axit amin trong thức ăn một cách chính xác thông qua phân tích trực tiếp hoặc sử dụng các số liệu đáng tin cậy đã công bố từ trước. Sử dụng phần mềm để tối ưu công thức tổ hợp khẩu phần nhanh và chính xác.


- Bổ sung các axit amin thiết yếu có giới hạn vào thức ăn để đạt đến cân đối, tối ưu về tỷ lệ các axit amin với nhau.


- Sử dụng hợp lý các enzyme và probiotic để nâng cao khả năng tiêu hóa các axit amin và các chất dinh dưỡng khác trong thức ăn.


- Trong một số loại thức ăn có chứa 1 số chất ức chế và làm vô hoạt các enzym do hệ tiêu hóa tiết ra để phân giải, tiêu hóa thức ăn ( ví dụ như Kunitz và Bowman Brcick trong đỗ tương sống ). Các chất này không bền ở nhiệt độ cao vì vậy xử lý nhiệt trước khi cho vật nuôi ăn sẽ làm giảm hoặc mất hoạt lực của các chất đó.


Trong thực tế xuất, để làm tăng giá trị sinh học của protein thức ăn, thường sử dụng phương pháp tổng hợp: phối hợp các loại thức ăn với nhau, xử lý nhiệt và bổ sung axit amin tổng hợp.


Ảnh hưởng của xử lý nhiệt đỗ tương tương và bổ sung axit amin tổng hợp đến sinh trưởng của gà thịt.

 

 

Ảnh hưởng của xử lý nhiệt đỗ tương tương
Khẩu phần ăn   Các chỉ tiêu  
 Tăng trọng (g/con/ngày) Tiêu tốn thức TĂ  (kg TĂ/kg tăng trọng)  PER 
KP1: đỗ tương sống  7,7 3,6 1,89 
KP2: đỗ tương được hấp 20 phút ở 126 °C 16,5 2,05 3,29 
KP3: KP1 + 041% methionine + 0,29% lysine 12,8 2,54 2,6
KP4: KP2 + 0,41% methionine + 0,29% lysine 21,3 1,7 3,92
 Miles và Featherston 1976  

 

 

Từ những vấn đề trên ta thấy protein là nhân tố không thể thiếu trong thức ăn chăn nuôi gia cầm lấy thịt. Để nâng cao năng suất và chất lượng thịt đòi hỏi người chăn nuôi phải có sự hiểu biết một cách sâu sắc về vai trò của protein đối với quá trình sinh trưởng, phát triển và tạo ra sản phẩm, các quy luật trao đổi protein trong cơ thể gia cầm, các nguồn cung cấp protein, từ đó xây dựng khẩu phần ăn hợp lý cho từng loại gia cầm khác nhau.